Hát ru - Những giai điệu của tình yêu thương con trẻ

Không chỉ giàu tiềm năng về kinh tế, đa dạng về văn hóa, Cần Thơ còn là vùng đất thu hút, hội tụ nhiều làn điệu dân ca độc đáo, trữ tình như lý, hát huê tình, hò cấy, hò mái dài… đặc biệt là hát ru. Câu hát ru “ầu ơ … ví dầu …” nghe mênh mông, sâu lắng, được cất lên giữa buổi trưa hè hay lúc hoàng hôn như hòa quyện vào cảnh sắc, thấm đượm tình người, tình đất Cần Thơ: “Ầu ơ ơ ơ ơ … Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng/ Về sông ăn cá ờ về đồng ăn cua”.
Bên khai trầu và nia gạo, lời ru của bà đưa cháu vào giấc ngủ. Ảnh tư liệu

Hát ru của người Việt ở Cần Thơ nói riêng và ở Nam bộ nói chung còn được gọi là “hát đưa em”, là những bài dân ca chứa chan tình yêu thương, ngọt ngào như dòng sữa mẹ, với giai điệu êm ái, thiết tha, du dương, trìu mến để ru cho trẻ ngủ, đồng thời cũng biểu lộ tâm sự, tình cảm của người hát một cách nhẹ nhàng. Tuy gọi là hát đưa em nhưng thường thì ông bà ru cháu, mẹ ru con hoặc chị ru em. Theo Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, “câu hát đưa em Nam bộ bao giờ cũng bắt đầu bằng tiếng láy đưa hơi “Ơ ầu ơ” và giai điệu của hát đưa em Nam bộ “không bao giờ sử dụng thang 5 âm điệu thức Bắc (Rê-mi-sol-la-si) mà là thang 4 âm dạng I hoặc thang 5 âm điệu thức Oán (Rê-fa-sol-la hoặc Rê-fa-sol-la-si)” (Dân ca Hậu Giang - Sở Văn hóa Thông tin Hậu Giang, 1986), những đặc trưng này đã giúp người ta không thể lẫn lộn chúng với bất kỳ loại hát ru nào trên khắp các miền đất nước.
Câu hát ru thường là những câu ca dao mà người hát đã thuộc làu và nội dung của những câu ca này thường mang tâm sự của người phụ nữ với cha mẹ, với chồng, với người thương chứ ít khi bày tỏ tình cảm trực tiếp với đứa trẻ đang ôm ru trong lòng. Trong cảnh thanh vắng của buổi hoàng hôn, dưới mái hiên nhà, theo nhịp võng đong đưa nghe kẽo kẹt, buồn buồn, người phụ nữ mượn câu hát ru con thay lời nhắn gửi về cha mẹ già ở quê xa : “Ầu ơ … chiều chiều chim vịt kêu chiều/ Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau/ Ơ … chiều chiều ra đứng ngõ sau/ Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”.
Lời lẽ câu hát ru còn để tự sự về lòng chung thủy, về tình yêu trai gái: “Ơ ầu ơ ơ … Cây da trước miễu ơ ai biểu cây da tàn/ Bao ơ nhiêu lá rụng ơ  .. ơ .. em thương chàng bấy nhiêu ơ”; “Ơ ầu ơ … ớ Mình thương tui chưa có mấy mà mình than/ Đây rồi tui thương lợi ờ … ầu ơ … ớ tàu Nam Vang nó chở đầy”; “Ầu ơ … Đèn treo cột đáy nước chảy lồng đèn xoay/ Dĩa nghiêng múc nước sao đầy/ Lòng thương con bạn ầu ơ ... cha mẹ rầy hổng dám thăm”…
Cũng có khi câu hát ru nói về tình bạn, tình đời, về cách giáo dục con cái hoặc người hát ru tự nhắc nhở mình: “Ầu ơ … Cây xanh thì trái cũng xanh/ Cha mẹ hiền lành để đức cho con”.
    Hoặc đơn giản câu hát ru cũng chỉ là những lời ca ngộ nghĩnh chứa đựng hình ảnh, sinh hoạt quen thuộc hàng ngày trong lời chị hát đưa em: “Ầu ơ … ví dầu lịch vắn, lươn dài/ Quạ đen, cò trắng, thằng chài xanh lông…”; “Ầu ơ… Chanh chua thời khế cũng chua/ Chanh bán có mùa, khế bán tư niên”...
Phương tiện hỗ trợ cho hát ru là chiếc võng, cái nôi, cánh tay và lồng ngực. Tiếng ru là tín hiệu truyền thông giữa hai đối tượng tiếp xúc với nhau: người hát ru và trẻ đang cần tiếng ru vỗ về để đi vào giấc ngủ vô tư, hồn nhiên. Chỉ khi nào đứa trẻ nhõng nhẽo, khóc nhè đòi ngủ và được đặt lên võng đong đưa hoặc bế lên tay thì tự nhiên chùm hát ru được phát lên qua giọng trầm ấm, đều đều của ông, của bà, của mẹ, của chị… như vỗ về, ôm ấp đưa trẻ vào giấc ngủ say. Dù bị nhịp võng chi phối nhưng nhịp điệu của câu hát đưa em không gãy gọn và khúc chiết như các bài lý mà được diễn đạt một cách tự do, thoải mái, trầm bổng, nhặt khoan tùy thuộc vào trạng thái tình cảm giữa người hát và đứa trẻ. Trường hợp người hát ru đã hát hàng chục câu mà đứa bé chưa chịu ngủ (hoặc đang thiu thiu ngủ lại giật mình khóc thét lên) thì người hát ru không thể hát theo nhịp đều đều nữa mà phải chuyển giọng lên cao hơn hoặc xuống thấp hơn, đồng thời tiết tấu cũng phải thay đổi từ chậm đến nhanh, dồn dập hơn trước. Trong bài viết “Nghĩ về hát ru con” đăng trên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật số 11-1994, nhà nghiên cứu Mịch Quang cho rằng: “Điệu hát ru con là điệu nhạc đầu tiên đến với trẻ thơ một cách tự nhiên nhất… giữa lời thơ và điệu hát có hai mặt khác nhau: điệu là cho bé, lời là cho mẹ… tủi thân hay tủi phận, đâu phải qui định của bài hát ru mà tùy hoàn cảnh”. Như vậy tiếng ru chỉ có thể hay và đi vào lòng người khi được cất lên đúng giọng điệu và giữa bối cảnh thích hợp của nó. Điều khó nhận thấy ở đây là hát ru đã tạo được mối quan hệ truyền cảm giữa ông bà và cháu, giữa mẹ và con, giữa chị và em… Ngay từ thuở bé, trẻ đã được nghe âm thanh ầu ơ dịu ngọt qua lời ru của những người thân trong gia đình. Lớn lên, trẻ cảm nhận và hiểu được dần nội dung của từng câu hát ru và không biết tự bao giờ tiếng ru đã trở thành một trong những yếu tố giúp trẻ hình thành nhân cách. Đối với người hát cũng vậy, không phải họ chỉ hát để ru trẻ ngủ mà còn hát cho chính mình và những người xung quanh cùng nghe. Câu hát ru còn đưa họ về với cuộc đời đầy ắp những kỷ niệm vui buồn trong xã hội phong kiến ngày xưa.
Hiện nay, dù chiếc võng đay ngày nào đã được thay thế bằng võng sợi tổng hợp, bằng chiếc nôi hiện đại, những người mẹ, người bà, người chị Cần Thơ vẫn hát đưa em bằng những câu hát từ thuở xa xưa. Dù cho môi trường diễn xướng có khác đi, nhưng làn điệu của hát đưa em vẫn còn chưa bị pha tạp. Hình ảnh mẹ ru con, bà ru cháu, chị ru em… vẫn còn tiếp diễn ngay trong lòng thành phố, với màu sắc ít nhiều khác đi so với cái gốc cổ truyền. Mặt khác, cũng phải thấy rằng nhịp sống công nghiệp hiện nay đang làm mất dần những câu hát ru và làm thay đổi cả bối cảnh tồn tại của nó. Vẫn còn nhiều trẻ con nũng nịu vòi “Mẹ hát ầu ơ” trước khi ngủ, nhưng cũng không ít con trẻ sau này sẽ ít biết đến tiếng ru, bởi nếu cần những giai điệu êm ái, du dương giúp trẻ đi vào giấc ngủ các bậc sinh thành đã có sẵn thiết bị truyền phát âm nhạc. Đứa bé cũng sẽ dần dần đi vào giấc ngủ, nhưng đó là giấc ngủ khô khan, đơn điệu, không có bầu vú mẹ, không có cánh tay của bà, của chị nâng niu, vỗ về, ôm ấp, không có lồng ngực mẹ để trẻ gối đầu lên và không có cả tiếng võng đưa kẽo cà kẽo kẹt như làm nhịp cho tiếng ru êm ái, ngọt ngào.
Để tiếng ru muôn đời là nguồn mạch ươm mầm và góp phần hình thành nhân cách cho trẻ, bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật độc đáo và bổ ích này trong đời sống hiện đại là một việc làm có ý nghĩa và rất cần thiết nhằm góp phần vào việc lưu giữ, truyền tụng những làn điệu độc đáo trong kho tàng dân ca Cần Thơ nói riêng, văn nghệ dân gian Việt Nam nói chung.
Nguyễn Thị Mỹ (BQL Di tích TP)
Các bài viết khác:
Bảo vật quốc gia đầu tiên của Cần Thơ   (04/01/2018)
DI TÍCH KIẾN TRÚC NGHỆ THUẬT HIỆP THIÊN CUNG   (10/10/2017)
Nhà hát Tây Đô tổ chức giỗ tổ sân khấu   (09/10/2017)
Làng nghề dệt chiếu Kinh E, Vĩnh Thạnh   (24/07/2017)
UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN   (24/07/2017)
<<    ...  4  5  6  7  8  ...    >>